Tin Tức
Viện nghiên cứu Cơ khí: Nội địa hóa thành công một số hệ thống thiết bị đồng bộ cho ngành Nhiệt điện
Hơn 10 năm thực hiện các dự án Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia, Viện Nghiên cứu Cơ khí (Narime) đã tham gia nhiều dự ánHơn 10 năm thực hiện các dự án Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia, Viện Nghiên cứu Cơ khí (Narime) đã tham gia nhiều dự án, trong đó có hai dự án Viện chủ trì thực hiện “Hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo, chế tạo thử nghiệm lọc bội tĩnh điện công suất 1.000.000 Nm3/h” và “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ chạy thay với công suất 600 MW”. Một số thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện đã dần hình thành như ESP, CHS, AHS, qua đó cho thấy năng lực thiết kế, chế tạo các thiết bị đồng bộ, yêu cầu kỹ thuật cao cho các nhà máy nhiệt điện nói riêng và ngành cơ khí chế tạo nói chung của các doanh nghiệp trong nước.
Ứng dụng thành công hệ thống ESP
Đối với Dự án “Hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo, chế tạo thử nghiệm lọc bụi tĩnh điện công suất 1.000.000 Nm3/h”, (thời gian thực hiện dự án 2012 - 2018), đến nay đã hoàn thành và đưa vào ứng dụng sau khi trúng thầu cho Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 do Marubeni làm tổng thầu với tỷ lệ nội địa hóa chiếm hơn 70% trên tổng giá trị gói thầu. Đây là địa chỉ ứng dụng của dự án sản xuất thử nghiệm.
Hiện nay dự án đã xây dựng được hồ sơ thiết kế ESP công suất 1.000.000 Nm3/h, phù hợp ứng dụng cho các nhà máy nhiệt điện từ 300 MW đến 600 MW. Với hồ sơ thiết kế trên đủ điều kiện áp dụng cho thiết kế ESP tại các dự án khác có công suất bất kỳ. Từ nguồn lực khoa học công nghệ, Viện đã xây dựng và trang bị được: Bộ gá thử nghiệm chế độ khí động lực và bộ gá thử nghiệm chất lượng điện cực lắng, điện cực phóng, bộ búa gõ rũ bụi. Đồng thời trang bị được một số thiết bị đo kiểm chuyên dụng: thiết bị kiểm tra độ kín bằng phương pháp siêu âm phục vụ cho công tác kiểm tra chất lượng độ kín của buồng lọc, thiết bị đo gia tốc tức thời, thiết bị đo độ bằng phẳng.
Từ các nguồn lực, hiện Narime đã trang bị được nhà xưởng và thiết bị sản xuất một số bộ phận quan trọng của ESP: dây chuyền thiết bị sản xuất tấm điện cực lắng, thiết bị sản xuất thanh gai điện cực phóng, một số bộ khuôn mẫu sản xuất các chi tiết quả búa gõ rũ bụi.
Kết quả nghiên cứu của dự án đã được áp dụng vào 2 dự án: NMNĐ Vũng Áng 1 và Nhiệt điện Thái Bình 1. Mức độ nội địa hóa đạt khoảng 70%. Dự kiến kết quả của dự án sẽ được nhân rộng sang các dự án khác như Nghi Sơn 2, Vũng Áng 3.1, Quỳnh Lập 1 và Quảng Trạch 1.
Vận hành một số hệ thống thiết bị phụ
Theo Quyết định 1791/QĐ-TTg ngày 29/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Narime được giao nhiệm vụ thực hiện thiết kế, chế tạo, lắp đặt và đưa vào vận hành một số hạng mục thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất tổ máy đến khoảng 600MW. Narime đã đồng thời chủ trì việc triển khai các nội dung nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành 11 hệ thống thiết bị phụ: Hệ thống cung cấp than; Hệ thống khử lưu huỳnh; Hệ thống thải tro và xỉ; Hệ thống cung cấp dầu; Hệ thống thải khói; Hệ thống xử lý nước và nước thải; Hệ thống nước làm mát tuần hoàn; Hệ thống sản xuất hydrogen; Trạm phân phối và máy biến áp chính; Hệ thống phòng cháy và chữa cháy. Đồng thời xây dựng các giải pháp, qui chế và xây dựng qui trình quản lý, tổ chức để thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện áp dụng cơ chế 1791.
Do đây là lần đầu tiên doanh nghiệp trong nước thực hiện nên gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, từ cơ chế chính sách, vốn cho dự án, hạn chế về năng lực kinh nghiệm. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, Narime đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và bước đầu thu được những kết quả khả quan. Thời gian hoàn thành dự án là năm 2020, tính đến thời điểm này, có 7/12 nhiệm vụ khoa học công nghệ thành phần đang được triển khai và bước đầu đạt kết quả. Ứng dụng một số hệ thống kết quả bước đầu cho thấy Việt Nam sẽ làm chủ được thiết kế công nghệ sản xuất, thiết kế chế tạo và thiết kế công nghệ chế tạo một số thiết bị chính, quan trọng của dây chuyền thiết bị đồng bộ nhà máy nhiệt điện than công suất 600MW, làm chủ được thiết kế, tích hợp hệ thống điện, điều khiển tự động hóa nhà máy, làm chủ được công nghệ lắp đặt và vận hành.
Sau dự án, suất đầu tư các hệ thống thiết bị tương tự cho nhà máy nhiệt điện than công suất 600MW dự kiến giảm 20%, góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp trong GDP do tỷ lệ nội địa hóa thiết bị dây chuyền đồng bộ nhà máy nhiệt điện được tăng lên. Đồng thời giảm 65% chi phí thuê chuyên gia nước ngoài trong công tác quản lý dự án, tư vấn thiết kế và các dịch vụ kỹ thuật khác.
Kết quả các dự án cho thấy, các doanh nghiệp chế tạo thiết bị từ chỗ chỉ chế tạo được các thiết bị đơn giản theo thiết kế của nước ngoài đã vươn lên tự thiết kế, chế tạo các thiết bị phức tạp có hàm lượng chất xám cao, nâng cao giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Đơn vị chủ trì dự án xây dựng được lực lượng tư vấn thiết kế, tư vấn quản lý dự án đủ năng lực để thực hiện các hạng mục lớn, đồng bộ trong một nhà máy nhiệt điện. Kết quả của các dự án góp phần thúc đẩy ngành tư vấn thiết kế, ngành công nghiệp cơ khí phát triển, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ qua đó phát triển năng lực chế tạo cho nhiều nhà máy cơ khí chế tạo. Đồng thời tăng sức cạnh tranh của sản phẩm và dây chuyền do giảm suất đầu tư mà chất lượng tương đương nhập từ các nước phát triển qua đó tăng tính tự chủ quốc gia trong công tác chế tạo thiết bị đồng bộ nhà máy nhiệt điện nói riêng và ngành cơ khí chế tạo nói chung.
Ngoài hiệu quả về kinh tế, các dự án đã góp phần hình thành đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ về các hệ thống thiết bị nhà máy nhiệt điện như ESP, CHS, AHS có khả năng nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, đưa vào vận hành các hệ thống tương tự đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu, G7. Các thiết bị thử nghiệm của dự án không những phục vụ cho công tác thiết kế, kiểm tra chất lượng sản phẩm chế tạo mà còn được sử dụng trực tiếp cho công tác đào tạo tiến sĩ của Viện.
Hưng Nguyên